Chuyện kể nghề bốc mộ (phần 4)

 Những câu chuyện bốc mộ ám ảnh chú tôi và con đường giải nghệ.

xem lại phần 3: Chuyện kể nghề bốc mộ (phần 3)

Đi theo con đường đất lầy lội xung quanh là cánh đồng bạt ngàn chuối. Đi đến cuối đường ngôi nhà gói tuềnh toàng, cũ kỹ hiện lên, nó đứng trầm lặng, cũng y như cái nghề, cái cuộc đời của chú, không vợ con, không người thân thích.

"Làm cái nghề này không mất nhiều sức, vất cả mỗi cái là làm việc vào ban đêm, người ta ngủ thì chú thức. Nhưng cái chính là phải có lá gan lớn hơn một tý”, chú tôi nói thế.

Chú kể rằng năm 20 tuổi, lúc đang đào đất để trồng chuối, chú vô tình đào trúng một cái mả. Các cụ già trong làng nói với chú rằng phải đào hẳn lên, nhặt xương rửa sạch sẽ xếp gọn gàng vào trong một cái tiểu rồi đem chôn cất lại, coi như là mình lấy công chuộc tội, nếu không họ sẽ ám quẻ mình, cuộc sống sau này lắm tai ương. Thế rồi chú làm theo lời dặn, có các cụ già chỉ bảo thêm.



Sau lần bốc mộ bất đắc dĩ ấy, chú về mơ một giấc mơ kì lạ, và có người nói với chú rằng phải gắn bó với nghề. Nếu không làm sẽ gặp nhiều điều không may, có thể còn ốm đau, bệnh tật nữa. Ban đầu chú chỉ nghĩ là vô tình nhưng giấc mơ ấy theo chú cả tháng trời, sau đó chú chính thức hành nghề kể từ ấy. 

Chú kể thêm: "mới đầu tao cũng ngại không làm, nhưng quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên cũng chẳng có tiền tiêu nên làm thêm nghề này để trang trải cuộc sống, thu nhập khá ổn định mỗi tội mày xem, cả làng ai cũng xa lánh tao. Đi ăn cỗ chẳng ai muốn ngồi cùng, đám bốc được mời đến, muốn đến để tạ với người được bốc chút lễ mọn nhưng lần nào thắp hương xong ra lại ngồi một mình. Có muốn ngồi với ai, họ cũng chỉ gật đầu rồi vài phút sau họ đứng dậy. Đấy là lí do sao tao chẳng muốn đi đâu là như thế". Tôi nhận ra, có lẽ còn đoạn nữa chú không nói nốt đó là cũng chẳng cô gái nào dám cùng chú kết tóc xe duyên.

Cứ khoảng 2 tháng cuối năm âm lịch, dịp này nhiều gia đình bốc mộ, cải táng, sửa sang phần mộ cho người đã khuất. Đến nhà tìm gặp chú tôi, thật sự rất khó, thế nhưng cứ ra bãi tha ma của làng là thấy chú đang vật lộn ngoài ấy.



Tính ra đến này hơn 40 năm làm nghề bốc mộ, chú bảo chỉ có thể áng chừng đã bật nắp khoảng gần 1 nghìn chiếc quan tài chứ không nhiều. Kỷ niệm chú nhớ nhất là có lần đi bốc mộ cho một nhà ở xã bên, do trời mưa nên chú đi sớm, ra thẳng bãi tha ma chứ không vào nhà gia chủ nữa, ngồi ở dưới thì mưa to mà lại có muỗi thế là leo lên cây ngồi phe phẩy cành lá, đợi người nhà gia chủ ra.

Lúc sau người nhà gia chủ đến nhìn thấy chú vắt vẻo trên cây lại đúng dịp mưa gió. ai nghĩ đâu có người leo lên cây vào tiết trời này, chỉ có... ma.  họ tưởng chú là ma thật nên hò nhau chạy toán loạn, ngã lên ngã xuống. Vứt cả xe máy đạp nhau rơi cả xuống ruộng để chạy tháo thân. Chú tôi phải nhảy xuống chạy theo gọi họ quay lại, thì càng gọi họ càng chạy thục mạng, chạy không cả quay đầu nhìn. Nam, nữ, lão, ấu lúc đó lao như điện xẹt. Vừa chạy vừa nam mô con xin, con xin, tha cho con, con sẽ không thuê người bốc bố nữa đâu...

Đấy là chuyện cười còn chuyện không vui và khiến chú bị ám ảnh thì nhiều lắm. Chú chia sẻ thêm thường thì những người mất từ 3 đến 5 năm mới sang cát, nhưng cũng có nhiều trường hợp dù đã chôn cất 8 năm nhưng đến khi bốc mộ, vẫn còn nguyên vẹn như lúc sống. Chú kể ám ảnh nhất là bà cụ Tư, mẹ của người bạn thân chú, bà đã mất được ngót nghét 8 năm, con cháu trong gia đình cho biết đã đi xem đến 3 “thầy” và thầy nào cũng gọi vong và hỏi han rồi cùng khẳng định chắc chắn rằng có thể sang cát, vì cụ sạch sẽ lắm rồi. Nhưng đến khi chú tôi đến vừa bật nắp quan tài lên thì người trong đó vẫn nguyên vẹn hình hài, như đang nằm ngủ chứ chưa tiêu.



Lúc ấy chú cũng rùng mình, đã định ra về nhưng phong tục đã vậy, nếu đã cạy nắp ra, muốn sang cát thì phải róc hết xương nếu không người chết và người sống đều không an ổn, lại nghĩ đến việc “nghĩa tử là nghĩa tận”, chú lại quyết định bắt tay vào công việc mà ai chứng kiến cũng phải hoảng sợ.

Đầu tiên chú lấy ra một chiếc dây thừng nhảy xuống hố buộc hai tay người mất, rồi thì thầm nói với họ "con xin lỗi bà nhé, việc con phải làm thôi" bất ngờ một cái tay tuột ra khỏi chiếc dây thừng rồi đặt lên vai chú. Chú vã mồ hôi sợ quá lại định nhảy lên đi về nhưng lại lấy hết can đảm, định thần bình tĩnh lại, treo người mất lên cây hoa đại cạnh ngôi mộ đó, tay cầm con dao bắt đầu róc những mảng thịt đầu tiên. Một số người thân trong gia đình chứng kiến đã lăn đùng ra ngất, có người thì vừa trông thấy đã bịt mồm chạy thẳng về nhà bỏ cả dép không thèm quay lại lấy.

Biểu tượng trấn giữ kinh thành Thăng Long xưa - Thăng Long Tứ Trấn là gì?

Chú còn kể có lần sang cát cho một gia đình ở cùng xã, khi vừa bật nắp quan tài, ở trên nhìn xuống, thi thể đã trơ xương. Thế nhưng khi xuống làm thì phát hiện phần hông vẫn còn nguyên thịt. Lần ấy gia đình bảo đừng dùng dao, họ xót người thân thế là chú tôi lại lấy tay không cạo cạo, gỡ từng mảng thịt ra khỏi phần xương. Mùi tử khí khó có thể tả được hết, nó luôn ám vào người và không có một loại chất tẩy rửa nào có thể tẩy được nó, đấy là lí do sao chú tôi luôn để đầu tóc 3 phân.



Lại có một hôm khác khi vừa xuống mộ để làm, vừa cởi áo người mất ra thì con rắn hổ mang to như cổ tay đang nằm trong bụng nhoi đầu lên bành mang nhìn chú, chú giật mình đứng hình, tay chân run lẩy bẩy, không dám thở, mồ hôi chảy nhễ nhại. Lúc sau người nhà khóc lóc, cầu xin cả nửa tiếng thì không biết vì sao, con rắn từ từ bò đi chỗ khác. Chú lại thở phào nhẹ nhõm rồi làm tiếp.

Câu chuyện mà chú đáng nhớ nhất là trong một lần chú nhận sang cát cho một thanh niên mất khá trẻ ở gần trung tâm Thành Phố Hải Phòng. Người này đã được chôn cất cách đây sáu năm, trước lúc mất có mang trọng bệnh. Gia đình có điều kiện nên trong thời kỳ mang bệnh, thanh niên này chạy chữa bằng những loại thuốc tốt nhất, thuốc toàn ở nước ngoài. Khoảng hơn 1 giờ đêm, gia đình đánh xe ô tô xuống đón chú, đi cùng chú là một thầy cúng xuống khu mộ để làm lễ. Thầy phán chưa đến giờ lành, nên việc sang cát cho người thanh niên phải chờ đến 3h sáng.

Trong lúc chờ đợi, chú tôi có nằm nghỉ chợp mắt để lấy sức, giấc ngủ chưa sâu thì có một thanh niên cứ thì thầm bên tai “đừng đào tôi lên, tôi vẫn còn sống nguyên vẹn đấy”. Chú bật dậy và kể lại giấc mơ với gia chủ. Phía gia chủ tỏ ra rất lo lắng. Thế nhưng khi họ hỏi đến thầy cúng, thì ông này khẳng định, thân thể người thanh niên để được sáu năm không thể còn nguyên vẹn được.




Khi quan tài được bật nắp lên, tất cả đều bật khóc khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt. Thân thể của người thanh niên vẫn còn nguyên vẹn như một người sống. Điều khiến chú tôi sau này phải bỏ luôn nghề này là mắt của thanh niên mở hẳn ra, chỉ là không còn thở, da mặt xanh và nhợt nhạt. Nhìn cảnh tượng đó, người thân trong gia đình đều sợ hãi 4, 5 người ngất ngay tại chỗ, nhiều người không đứng vững. Có người chạy thẳng, còn ông thầy cúng thì lặn luôn ngay sau đó. Sau khi tham khảo ý kiến của chú tôi, gia đình họ quyết định chôn lại người thanh niên một lần nữa để chờ bốc sau.

Sau hôm ấy về chú tôi sợ lắm, vì cứ đi ngủ là lại bị thanh niên kia trở về giấc mơ oán trách, thế rồi chiều hôm sau chú liên hệ với người thân của thanh niên ấy. Chú đã mua hoa quả và ra đắp lại ngôi mộ ấy cho đẹp hơn, cũng xin người đã khuất bỏ quá cho vì cũng chỉ làm theo ý người khác, không quyết được, từ hôm ấy chú bỏ luôn nghề.

Có lẽ với chú hơn 40 năm trong nghề như thế là quá đủ, chú bảo rằng, bây giờ đến đời chúng mày thì đem thiêu xong lấy xương về là hợp lý rồi, chôn cất như thế này mất vệ sinh lại ô nhiễm nữa. Mà rồi sẽ chẳng còn ai làm cái nghề này đâu. Dù biết là theo nghề là có tiền nhưng chú vẫn luôn bị ám ảnh với những món thịt kho, xương hầm hay cháo lòng...



Đang kể cho tôi nghe thì đến giờ chú phải dẫn bò về không sợ tối nó đi linh tinh lại không tìm thấy.  Còn tôi thì đi không vững vì cảm giác như kiểu có người đang ngồi lên đầu mình. tôi đứng dậy hít mấy hơi sâu rồi từ từ đi ra cửa, được vài bước, tôi nhìn lại chú. người đàn ông đó vẫn nhanh nhẹn nhưng có gì đó âm u khó tả luôn thường trực trên khuôn mặt.

 Ngôi nhà trong ngõ sâu hun hút mỗi lần gió về lá chuối lại xào xạc như tiếng thì thầm xa xăm. Chú xuống căn nhà ngang lấy đôi ủng cùng chiếc dây thừng rồi ra con ngõ nhỏ cùng tôi để đuổi bò về. Bóng dáng đó làm tôi nhớ mãi, cô đơn, lạnh lẽo, già nửa đời người, Chú vẫn không vợ, không con......

----hết---

Nhanh thôi, một ngày nào đó chúng ta sẽ già



Không tuyên truyền mê tín dị đoan. Không cổ súy cho các hình thức bói toán, cúng bái, thầy bà. Đây đơn thuần chỉ là một câu chuyện, Không đại diện cho bất cứ giải pháp thay thế nào giải quyết cho những trường hợp tương tự, không làm theo dưới mọi hình thức

9xac Blog - Kênh tin tức 9xac - Chuyên trang tin tức mới - Hot,cập nhật liên tục nhanh nhất.

Post a Comment

Hãy lịch sự và văn minh khi đưa ra ý kiến bạn nhé ♡

Previous Post Next Post