Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Những ngày qua, xuất hiện nhiều tin tức về bạo lực học đường, từ vụ em học sinh lớp 12 bị bạn học đánh tử vong ở Phước Long, cho đến vụ Nữ sinh cấp 2 bị đánh hội đồng ở Thanh Hóa và rất nhiều tin tức liên quan đến việc các em học sinh bị đánh khi tới trường.... tôi nhớ lại câu chuyện của chính mình bị bắt nạt khi đi học.

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Tôi đã từng là nạn nhân của hành vi bạo lực học đường.

Năm tôi học lớp 9, năm cuối chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp trung học cơ sở, tôi đã bị 1 nhóm bạn học cùng lớp chặn đánh với lí do: “ Tại mày bêu xấu bọn tao! nên bọn tao không được học sinh giỏi”. chỉ có vậy, chúng bắt tôi phải "trả giá" cho hành vi tôi chưa từng thực hiện.

Thời ấy chưa có smartphone để quay phim chụp hình như bây giờ, thế nhưng phương thức hành xử thì vẫn vậy. Đó là sẽ có một nhóm xông vào hành hung, túm tóc, cào cấu xé áo một người đơn độc. Tôi nhớ tôi đã bị xé bung hết cúc áo sơ mi, mặt mũi cũng xước sát hết cả, tóc cũng bị lôi dứt nhưng may là chiếc áo sơ mi bị rách thì vẫn còn áo khoác nắng bên ngoài để che lại.


Cách xử lý khi bị bắt nạt?

Khi tôi về nhà, mẹ tôi vừa đau lòng vừa tức giận, định sẽ làm tới cùng sự việc này. Đồng thời bà cũng dạy tôi:

“Mẹ cấm con không được chủ động gây gổ với các bạn hay bất kì ai nhưng không có nghĩa là khi con bị đánh thì con phải đứng im chịu trận mà không phản kháng. Con cứ túm lấy 1 đứa gần con nhất, chỉ đánh 1 đứa ấy thôi, kéo nó về phía con thì tức khắc những đứa khác sẽ lùi lại. Nếu nhắm không đánh lại được thì con vác xe đạp, lấy cặp xách con quăng vào phía chúng cho mẹ. Hoặc có thể hô hào rồi vùng chạy. Việc con phản kháng hoặc bỏ chạy tối thiểu cũng là một phương án tự bảo vệ chính mình khi bị bắt nạt để con không lâm vào tình trạng nguy hiểm.”

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Tất nhiên câu chuyện của tôi sau đó đã được xử lí trong hòa bình, một phần để cho tôi phục hồi tâm lí chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10, phần do tôi cũng không bị thương tổn gì nhiều. Tuy nhiên sự việc xảy ra ngày hôm đó tôi vẫn ám ảnh mãi về sau.

Những góc nhìn và phân tích về bạo lực học đường

Cảm nhận của phụ huynh và các nạn nhân của bạo lực học đường

Trong mắt những người khác hay trong mắt cha mẹ của những đứa trẻ chỉ biết bắt nạt người khác thì hành vi của con cái họ chỉ là bình thường, là có gì đâu, là mâu thuẫn của những đứa trẻ mới lớn, là chúng đánh nhau một tí lại chơi với nhau ngay ấy mà!... cá biệt còn có một số phụ huynh hoặc những ông bố nát rượu còn khoái trá cho rằng con mình bắt nạt được đứa trẻ khác là điều đáng để vui mừng.

Nhưng với nạn nhân của những vụ bạo lực học đường thì nó là sự khủng hoảng, ám ảnh, là cú sốc về tâm lí tinh thần, nỗi đau về thể xác và cả sự xấu hổ khi bị làm nhục. Bố mẹ của các em ấy cũng đau lòng và tức giận. Làm gì có ai bình tĩnh nổi khi thấy con mình bị bạo hành tổn thương như vậy? Làm sao các em có thể dành tâm trí cho việc học khi những điều đáng sợ đó còn lơ lửng trên đầu mỗi khi đến trường?

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Tôi đặt câu hỏi: phụ huynh của các em học sinh kia đã dạy con mình cái gì khiến chúng trở thành những tay “tiểu giang hồ”, hành xử như những đứa đầu đường xó chợ? họ có nghĩ tới tương lai con mình sẽ ra sao nếu cứ hành xử theo bản năng bất chấp hậu quả?

Lúc này nhiều phụ huynh sẽ đổ lỗi cho nhà trường, nhà trường lại trách gia đình chưa sát sao với cháu? Khi chúng ta còn đổ lỗi cho nhau thì những vấn nạn bắt nạt trong nhà trường còn tồn tại. Cần nhìn nhận chính mình để tìm hướng giải quyết hơn là tìm cách đổ lỗi cho nhau.

Các phương án giải quyết bạo lực học đường hiện chưa đủ răn đe

Rất nhiều người cho rằng việc bạo lực học đường cần phải được quan tâm và có những hình thức xử lí thích đáng hơn. Đây là trách nhiệm của gia đình của nhà trường và của cả xã hội.

Những hình thức xử phạt hành vi bạo lực học đường trong nhà trường như: đình chỉ học một thời gian, lao động công ích, viết bản kiểm điểm, hạ hạnh kiểm, đứng bục chào cờ... tất cả chỉ mang tính hình thức. Tuy đau lòng nhưng chúng ta buộc phải thừa nhận với nhau một sự thật rằng ở bất cứ ngôi trường trung học nào cũng có những đứa trẻ mới nứt mắt ra mà học đòi làm dân anh chị, tự cho mình là bề trên, có quyền lực và sẵn sàng kéo bầy kéo đám đến để đánh dằn mặt bất cứ đứa trẻ nào mà chúng cảm thấy không vừa mắt và những biện pháp giải quyết vấn nạn bạo lực học đường hiện nay chưa thu được hiệu quả mong muốn.


ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?

Những đứa trẻ ngỗ ngược này, chúng hành xử như một đám côn đồ với ý nghĩ "như vậy mới ngầu, như vậy mới người lớn".Đối với những học sinh cá biệt này, các hình thức phạt kể trên, thực tế hoàn toàn không làm cho chúng sợ hãi không đủ sức răn đe để chúng thay đổi. Ngược lại, chúng lại có thể coi đó là chiến tích của mình để lấy "số má" khi tiếp tục bắt nạt bạn học khác. Thậm chí còn khiến chúng hung hăng hơn và lươn lẹo hơn.

Có thể nói, thầy cô cũng bất lực trước những học sinh bất trị như vậy. Nhắc nhở không được, dùng biện pháp mạnh thì thầy cô không đủ thẩm quyền cho phép những hành vi thái quá và có thể có nguy cơ trở thành tiêu điểm trên mạng xã hội với những clip cắt ghép nhằm hạ bệ thầy cô. Thầy cô có mạnh tay xử lí thì bố mẹ của những học sinh ấy đôi khi còn có thể kiện ngược lại thầy cô vì đã bạo hành con họ, hoặc chính thầy cô cũng trở thành nạn nhân của đám học sinh ngỗ ngược ấy.


Bạo lực tinh thần cũng là một vấn đề đáng sợ

Đã có rất nhiều những vụ tự kết thúc đau lòng mà nạn nhân là các học sinh trung học khi các em trở thành mục tiêu công kích, bị các học sinh trong cùng một lớp, trường cô lập, chỉ trỏ, sỉ nhục, xúc phạm. Ở cái tuổi trung học trở lên, các em đang học làm người lớn, tâm lý chưa được vững vàng, dễ xúc động, nhạy cảm thái quá với nhiều điều, có nhiều hành động thiếu suy nghĩ. Vậy mà mỗi ngày đi học bị bạn bè ghét bỏ, phải đối mặt với ánh mắt chế nhạo từ bạn học, bị châm chọc bằng những từ ngữ khó nghe, luôn sống trong sự lo lắng, nhục nhã khi ở trường thì việc học các em không thể tập trung, tâm lý các em cũng chẳng thể ổn định.

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Quá đáng hơn nếu khi về nhà các em lại phải đối mặt với việc bị cha mẹ la mắng, những lời chất vấn về điểm kém, về sức học, về sinh hoạt gia đình không quy củ sẽ khiến tinh thần các em trở nên suy sụp, áp lực, cảm thấy mình quá dư thừa trong cuộc sống này, nếu không phát hiện và gỡ rối kịp thời có thể dẫn đến việc các em nghĩ quẩn, bồng bột. Tới một mức nào đó bùng nổ, sự việc không thể vãn hồi xảy ra.mọi người sẽ biết thế nào là cảm giác ân hận mà không cách nào sửa chữa Ai ai cũng hối không kịp - từ gia đình, nhà trường, xã hội. Lúc này biết kêu ai? kêu trời ư? hay lại tiếp tục vòng xoay đổ lỗi?

Hướng đi phù hợp và cách giải quyết khi bị bắt nạt

Gửi tới những em đang bị bắt nạt

Bản thân tôi đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường, tôi chỉ muốn nói thẳng với các em đang bị bắt nạt rằng:

Các em hãy chống trả, các em không sai, việc đánh trả khi bị tấn công của các em chỉ là một hành động tự vệ chính đáng. Hãy để sẵn những thứ có thể tự vệ trong cặp, để chống trả khi cần thiết lúc này là lúc sự bướng bỉnh của các em phát huy tác dụng nhất. Nhắm đánh không lại thì các em cần bỏ chạy vào nhà dân nhờ họ che chở và tìm cách liên lạc ngay về gia đình, hoặc báo cho đồn công an gần nhất.


ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Nếu chẳng may nhận được tối hậu thư hẹn gặp ở cổng trường, đừng suy nghĩ gì cả mà lập tức lên gặp ban giám hiệu, thầy cô nhà trường, kể về tình trạng mình đang gặp, xin thầy cô giải quyết và có hướng đảm bảo an toàn cho chính mình ở trường hay trên đường về nhà.

 Lúc này các em cần ý thức được việc mình đang bị đe dọa nguy hiểm tới tính mạng. Hãy tự bắt buộc bản thân phải tìm cách bảo vệ cho sự an toàn của chính các em. Nếu không được thì hãy mượn điện thoại của thầy cô, bạn bè gọi cho gia đình, cho cha mẹ tới. Đội mũ bảo hiểm khi ra khỏi cổng trường đề phòng tình huống bất ngờ.

Hành động tìm trợ giúp này không phải là các em hèn kém, hãy bỏ ngay suy nghĩ yêng hùng hoặc sợ mất hình tượng này nọ đi. Tình trạng các em đang gặp phải được xếp tình trạng khẩn cấp, không cho phép các em có những suy nghĩ "trẻ con" đó và ngay sau đó khi được an toàn, cần có cách giải quyết khi bị bắt nạt, hãy báo cho phụ huynh tìm cách giải quyết triệt để vấn đề với kẻ đã đe dọa bắt nạt các em hoặc cơ quan công an nếu kẻ đe dọa bắt nạt các em là người trưởng thành.

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Nếu đi học bị tẩy chay, bị các bạn sỉ nhục, châm chọc, cứ thẳng lưng mà đi, bỏ hết ngoài tai những lời đàm tiếu. Về cơ bản khi các em trải qua rèn luyện nhiều thì ai cũng sẽ có thể miễn nhiễm với sự công kích từ các thể loại lời nói cay độc. xung quanh, điều này chẳng có gì khó cả, chỉ cần lơ đi tất cả.

Khi em không làm sai thì chẳng có gì để sợ hãi. Gia đình có nghèo những em không trộm cắp của ai, ngoại hình có khác biệt hay xấu xí cũng không phải lỗi của em, lỗi nằm ở những kẻ đang chê bai em. Đừng bận tâm tới những thứ làm mình thấy khó chịu đừng tự biến mình thành nạn nhân của bạo lực tinh thần.


Lời chân thành tới các bậc phụ huynh

Với tư cách là một phụ huynh đã và đang có con em theo học những ngôi trường với đủ loại thành phần học sinh tôi xin gửi tới những người đang cùng làm phụ huynh giống như tôi:

Một là các bậc làm cha làm mẹ hãy quan tâm, để ý và dạy dỗ con mình. Đừng để khi nhìn lại thì chúng đã trở thành những đứa trẻ bất trị, hư hỏng, du côn du đãng, sẵn sàng chỉ tay vào mặt và chửi tay đôi với anh chị.

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


 Những đứa trẻ như thế thì sau nay nơi chúng đến chỉ có thể là nhà giam, hoặc may mắn hơn là sẽ là đầu đường xó chợ, trở thành thứ cặn bã xã hội, bị người đời khinh bỉ. Không ai giúp được chúng ngoài các anh chị đâu, đừng trông mong vào số phận hay chờ chúng tự thay đổi. Hãy để mắt tới chúng nhiều hơn khi còn có thể.

Với những bố mẹ có con bị bạn bè bắt nạt, hãy luôn đồng hành, cảm thông và bảo vệ các con. Quan điểm của cá nhân tôi luôn dạy con không nhẫn nhịn khi bị bắt nạt. Bắt nạt được lần một thì sẽ có lần hai, lần thứ n. Đừng để sự việc bị đẩy ra quá tầm kiểm soát của anh chị khiến con mình phải chịu nhiều đau đớn, thiệt thòi.

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Và nếu đen đủi con mình là nạn nhân của những vụ bạo hành, hãy làm đến cùng để đòi lại công bằng cho các con. Những đứa trẻ ngỗ ngược kia nếu gia đình và nhà trường không dạy dỗ  được thì cần để pháp luật dạy chúng cách làm người.


Lời Kết

Bạo lực học đường chưa bao giờ là một vấn đề nhỏ. Hãy lên tiếng, hãy chung tay để những đứa trẻ có một môi trường học tập công bằng, vui vẻ và an toàn. 

ảnh minh họa - Nỗi ám ảnh bạo lực học đường, phải làm gì khi bị bắt nạt?


Trường học là nơi để rèn luyện, học tập, giáo dục phải dạy cả tri thức lẫn nhân cách chứ không phải một nơi những đứa trẻ hiền lành bị chà đạp bởi những đứa trẻ ngỗ ngược phá phách. 

Đối với những đứa trẻ đến trường không phải để học thì nơi chúng thuộc về phải là trại giáo dưỡng, trung tâm phục hồi nhân phẩm. Quan điểm của các bạn về bạo lực học đường là gì? 

Cha mẹ sẽ xử lí như thế nào nếu con bị bắt nạt, bạo hành?

Hãy để lại bình luận phía dưới để góp phần xóa đi bóng ma bạo lực học đường, làm trong sạch những ngôi trường để tất cả những học sinh đến trường luôn được an toàn và vui vẻ.

----------------


9xac Blog - Kênh tin tức 9xac - Chuyên trang tin tức mới - Hot,cập nhật liên tục nhanh nhất.

1 Comments

Hãy lịch sự và văn minh khi đưa ra ý kiến bạn nhé ♡

Previous Post Next Post